Trước Sự Nô Lệ Của Con Người - Con Đường Thử Thách Của Văn Hóa Việt Nam (bản Remake) - Thích Minh Châu
MỤC LỤC
LỜI TỰA
PHẦN MỞ ĐẦU: BẢN THỆT RONG CUỘC PHỤC HỒI Ý NGHĨA CHO ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
CHƯƠNG I: HÃY NHÌN THẲNG VÀO CHÍNH MÌNH
CHƯƠNG II: NHỮNG KHÁT VỌNG VĨNH CỬU CỦA CON NGƯỜI
CHƯƠNG III: ĐI TÌM THỰC TÍNH CỦA VIỆT NAM
CHƯƠNG IV: VƯỢT RA NGOÀI ĐỐI TƯỢNG VÀ NGÔN NGỮ
CHƯƠNG V: HÒA BÌNH VỚI SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGÔN NGỮ
CHƯƠNG VI: NGAY GIỮA LÒNG THẾ GIAN ĐAU KHỔ
CHƯƠNG VII: HÃY CHIẾN THẮNG TỰ THÂN
CHƯƠNG VIII: SỐNG VẪN LÀ ĐIỀU LINH THIÊNG
CHƯƠNG IX: NỀN TẢNG CỦA MỌI KHOA HỌC VÀ MỌI TRIẾT HỌC NHÂN LOẠI
CHƯƠNG X: NỀN TẢNG CỦA MỌI PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
CHƯƠNG XI: NỀN TẢNG CỦA SỰ TRÙNG PHÙNG GIỮA VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG
CHƯƠNG XII: TRỞ VỀ VỚI VIỆT NAM VÀ NHÂN LOẠI
Phụ Lục
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH MỘT TRUNG TÂM GIÁO DỤC Ở SÀI GÒN
SỰ THẤT BẠI GIÁO DỤC HIỆN TẠI
MỘT CƠ SỞ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỐI VỚI THẾ GIỚI HIỆN TẠI
______________________________
LỜI TỰA
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách này đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hóa Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quang một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính.
Đây cũng là lộ trình của Viện Đại Học Vạn Hạnh trước bao nhiêu thử thách cam go của thời đại. Chúng tôi ước mong rằng tập sách này sẽ gợi lại một niềm tin nào đó trong lòng người thanh niên Việt Nam hiện nay, một niềm tin quyết liệt vào vận mệnh thiêng liêng của dân tộc trong ý thức thể hiện và vượt qua nỗi phân ly bi đát của bản tính con người để mà có thể chịu đựng và bước tới một cách can đảm trên con đường của chân lý và sáng tạo.
Chiến tranh nay mai sẽ chấm dứt, nhưng sự nô lệ của con người không hẳn là mất đi; khi hòa bình đến, sự nô lệ này càng hiện lên rõ rệt hơn nữa, vì chỉ có một sự nô lệ đáng sợ là sự nô lệ của tinh thần và tư tưởng, còn tất cả sự nô lệ khác chỉ có tính cách phụ thuộc. Giải tỏa sự nô lệ của con người thì phải giải tỏa toàn diện, tận căn để, có nghĩa là phải giải tỏa sự nô lệ của ý thức, của tư tưởng và tâm thức. Đó mới là con đường khả dĩ mang đến sự tự do của nhân tính trên lộ trình dẫn tới chân lý. Chân lý, Tự do và Nhân tính, ba lý tưởng mà Viện Đại Học Vạn Hạnh đang đeo đuổi, vẫn tiếp tục theo đuổi, vẫn bất chấp mọi trở ngại, nghịch cảnh, bất chấp mọi đảo điên của thời cuộc. Dù ở hoàn cảnh nào, tâm huyết của chúng tôi vẫn không lay chuyển. Chúng tôi mong rằng tập sách này sẽ đưa tới sự thể hiện cụ thể ý chí sắt đá của Việt Nam và đưa tới một môi trường cho sự hiện diện của những giá trị cao quý nhất trong truyền thống nhân loại.
THÍCH MINH CHÂU