Thiền Luận - Trọn bộ 3 quyển (Tái bản 2023) - Trúc Thiên & Tuệ Sỹ dịch Việt
Lời thưa
Ý thức rằng vạn sự đều do nhân duyên sinh khởi mà thành, trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng. Làm bộ sách này, bước đầu chúng tôi đã gặp không ít nghịch duyên, có lúc những tưởng việc nó được ra mắt độc giả sẽ còn kéo dài thêm nữa, nhưng may thay, nhờ sự yểm trợ của những người có lòng mà nó mới được biểu hiện sớm hơn như hôm nay. Được sự đồng ý của hai dịch giả, chúng tôi lấy làm vui mừng khi được duyên lành để tái bản lại bộ sách quý giá này, và xin có mấy lời thưa như sau:
- Đây là lần tái bản đầu tiên chính quy nhất từ bản in bộ Thiền luận của những năm 1971 và 1973 cho đến nay, và được dịch giả Tuệ Sỹ viết lời “Tựa tái bản lần thứ nhất” trong quyển Trung và quyển Hạ.
- Về nội dung: Chúng tôi làm đúng theo sách gốc của những ấn bản trên, tuy có đôi chút khác biệt về khía cạnh trình bày, hiển thị văn bản. Đối với quyển Thượng, dịch giả Tuệ Sỹ (chúng tôi xin phép gọi là Thầy) đã bỏ thì giờ xem lại phần chữ Hán cũng như nhập liệu thêm phần Phụ trương chữ Hán ở cuối sách; còn phần chữ Việt thì vẫn giữ nguyên văn phong của dịch giả Trúc Thiên. Đối với quyển Trung và quyển Hạ, Thầy đã đọc lại, chỉnh sửa, tăng bổ, có đoạn dịch mới lại… một cách hết sức công phu và cẩn trọng. Chúng tôi rất lấy làm an lòng và cảm ơn Thầy nhiều về điều này.
- Về hình ảnh: Chúng tôi cố gắng tìm cho được những ảnh gốc - là những họa phẩm thủy mặc mà tác giả Daisetz T. Suzuki đã đưa vào bản tiếng Anh nhằm minh họa thêm về những điểm cốt yếu của Thiền cũng như làm tăng thêm vẻ đẹp của sách cùng với sự thi vị trong khi đọc, và có trong những ấn phẩm gốc kể trên. Tuy vậy, mặc dù đã bỏ công tìm kiếm, có những ảnh chúng tôi vẫn chưa tìm ra được. Vì vậy cho nên, chúng tôi buộc lòng phải chụp lại từ những ấn bản gốc và xử lý kỹ thuật. Tuy chúng không đẹp như mong đợi, nhưng thiện ý của chúng tôi là muốn giữ cho được những ảnh này như bổn ý của tác giả khi đưa chúng vào sách. Chúng tôi không nỡ bỏ chúng. Mong bạn đọc thông cảm và lượng thứ. Và sẽ cố gắng bổ sung những ảnh gốc trong những lần tái bản sau.
Tất cả những cố gắng trên không ngoài mục đích thể hiện sự trân trọng đối với một công trình nghiên cứu công phu của tác giả và sau đó là các dịch giả, và trên hết là trách nhiệm của chúng tôi đối với độc giả - những người thẩm định cuối cùng giá trị của bộ sách.
Chúng tôi chân thành cảm ơn Thư quán Hương Tích cùng những cộng sự đã góp sức vào tác phẩm kinh điển này để nó được biểu hiện trở lại một cách mới mẻ sau gần nửa thế kỷ.
Trân trọng,
Ban biên tập.
Tựa tái bản lần thứ nhất
.... Nguyên nhân dịch Việt Thiền luận - quyển Trung (quyển II) như đã được trình bày trong tựa xuất bản lần đầu, nay cũng được in lại trong lần tái bản này.
Bản dịch Việt Thiền luận - quyển Trung và quyển Hạ (quyển III) được thực hiện cách đây gần nửa thế kỷ. Trong quãng thời gian dài này, đã có quá nhiều biến đổi xã hội, văn học, tư tưởng đã xảy ra trên thế giới, và cho cả bản thân dịch giả. Vì vậy, việc duyệt lại những điều đã làm trước đây thật cần thiết.
Trước hết, bản dịch cần được duyệt lại cẩn thận trước khi cho ra mắt độc giả, sửa chữa những sai lầm nhất định phải có, và bổ sung những điều còn thiếu sót.
Tất cả chúng ta đều hiểu sâu sắc rằng một tác phẩm đối với một tác giả là đứa con tinh thần. Không ai muốn đứa con mà mình cưu mang xuất hiện trước công chúng với dị dạng, hay khuyết tật. Về phía dịch giả, hiếm có ai tự hào về một bản dịch hoàn chỉnh như ý tác giả mong đợi. Cho nên, mỗi lần tái bản, nếu điều kiện cho phép, dịch giả không thể khinh suất không duyệt lại bản dịch.
Bản dịch Việt khởi sự từ năm 1971. Trong thời gian đó, các phương tiện ấn loát, truyền thông tại Việt Nam đều bị hạn chế. Các fonts chữ Sanskrit không có; chữ Hán phải đúc chì, nhưng vì phần lớn là Hán cổ không phổ cập nên cũng có rất nhiều thiếu sót.
Những khuyết điểm về kỹ thuật tuy có thể không phải là điều làm giảm giá trị nội dung của tác phẩm, nhưng một ấn phẩm tương đối hoàn hảo khả quan về phương diện này vẫn mang đến cho người đọc nhiều cảm hứng thăng hoa. Điều đáng nói ở đây là nguồn tài liệu tham chiếu trong khi phiên dịch. Độc giả khi đi sâu vào tác phẩm sẽ cảm nhận phong cách ngôn
ngữ của Thiền. Ngôn ngữ sống động, đầy tính chất nghịch lý, với những hình tượng và ý tưởng bất ngờ; phiên dịch trực tiếp từ nguồn đã là điều khó, ở đây qua nhiều lớp trung gian tất khó tránh khỏi điều được gọi là “tam sao thất bản”. Ngôn ngữ Hán cổ, ngay dù phiên dịch lại Hoa ngữ hiện đại, khá nhiều trường hợp nghe ra ngây ngô, huống nữa dịch sang tiếng Anh, rồi từ tiếng Anh dịch sang tiếng Việt.
Nhắc lại điều này để thấy rằng trong khi dịch từ Anh sang Việt những Thiền ngữ, Thiền thoại được dẫn trong các tập Thiền luận của Suzuki mà không biết đến xuất xứ của chúng, tức phong cách ngôn ngữ Hán cổ của Thiền gia, bản dịch không chỉ phạm những sai lầm không thể tránh mà còn khiến độc giả hiểu lệch lạc, hay cảm xúc hời hợt, những điều mà tác giả Suzuki muốn giới thiệu. Tất nhiên đây là điều mà không tác giả nào mong đợi ở những bản dịch từ tác phẩm của mình. Cho nên người dịch trong điều kiện khả dĩ không thể khinh suất. Huống nữa, một tác gia, hay nói chí lý, một nhà tư tưởng lớn phương Đông trong thời cận đại, đã gây những ảnh hướng lớn không chỉ trong giới học thuật phương Tây, mà cả trong những lãnh vực văn học, nghệ thuật và triết học; tất nhiên những người tán dương đã nhiều mà những người công kích không phải không có. Đây là lý do khiến dịch giả cần phải cẩn thận duyệt lại bản dịch cách đây gần nửa thế kỷ...
Sơ Hạ, Đinh Dậu, 2017
Tuệ Sỹ
(trích)